TUYẾT SƯƠNG HIỆN MAI HOA
(ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ THÂN PHỤ)
TK. THÍCH CHỈNH TUỆ
雪 霜 現 梅 花
黃 德 整 慧 詩 題
山 河 湘 俗 住 堅 強
天 地 交 私 照 映 暘
草 木 四 時 舖 色 影
梅 花 顯 示 體 冰 霜
庚 午 年 春 日 – 2010
TUYẾT SƯƠNG HIỆN MAI HOA
Hoàng Đức Chỉnh Tuệ thi đề
Sơn hà tương tục trụ kiên cường
Thiên địa giao hòa chiếu ánh dương
Thảo mộc tứ thời phô sắc ảnh
Mai hoa hiển thị thể băng sương
Canh Dần niên, Xuân nhật - 2010
Dịch nghĩa:
HOA MAI HIỆN GIỮA TUYẾT SƯƠNG
Hoàng Đức Chỉnh Tuệ thi đề
Sông núi liên tục bao thời đứng vững kiên cường
Trời đất giao hòa chiếu sáng ánh ban mai
Cây cỏ bốn mùa khoe vẻ đẹp bên ngoài
Hoa mai hiện thân càng đẹp giữa tuyết sương
Canh Dần niên, Xuân nhật - 2010
Dịch thơ:
HOA MAI HIỆN GIỮA TUYẾT SƯƠNG
Hoàng Đức Chỉnh Tuệ thi đề
Sông núi bao phen vẫn kiên cường
Trời đất giao hòa sáng ánh dương
Bốn mùa cây cỏ khoe màu thắm
Hoa mai hiện thể đẹp tuyết sương
Canh Dần niên, Xuân nhật - 2010 1. THUỞ THIẾU THỜI:
BA tên khai sinh là HỒ TẤN ÁNH, mà theo lời Ba kể: tên thật của Ba là HỒ TẤN ANH, lúc đến trường làng cả hai chị em, người chị tên HỒ THỊ HỒNG, thầy giáo bảo: ÁNH HỒNG sao lại ANH HỒNG, nên tên ÁNH có từ đó. Theo giấy CMND thì Ba sinh ngày 18.2.1934 (Nhằm mồng 5 tháng giêng năm Giáp Tuất). Lúc còn sinh thời Ba thường bảo là Ba tuổi Ất Hợi, nếu sinh ngày 18.2.1935 (Nhằm Rằm tháng giêng năm Ất Hợi). Ba có kể hồi nhỏ vì có trí thông minh trước tuổi nên muốn vào trường cho đủ tuổi Ba phải nhờ bà nội làm khai sinh thêm một tuổi.
Ba ra đời tại làng Phường Đúc.
“Phường nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách thành phố Huế khoảng 3km về phía tây nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một làng nghề nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc đồng này gồm 5 xóm là: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.”
Ba sinh ra và lớn lên tại vùng đất này nên cuộc đời Ba phần lớn ảnh hưởng và gắn bó mật thiết với con người và phong tục tập quán ở đây.
Quê gốc tại làng Xuân Hòa, xã Thủy vân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ba là người đa tài, học nhanh biết rộng nhưng không chuyên sâu. Tính Ba không đặt nặng vấn đề gì cho là quan trọng cần phải đầu tư thời gian và sức lực. Ba xem nhẹ mọi thứ, lúc nào cũng chỉ mong vui vẻ, hòa đồng, thậm chí chịu thiệt thòi về mình. Có lẽ Ba học được cách tùy duyên bất biến của nhà Phật: khế xứ, khế thời, … sống tìm kiếm nguồn an lạc thực tại để vui hưởng đời tự tại.
Tôi cố tình thu thập về các giai thoại, thơ văn, … Ba sáng tác mà chẳng bao giờ có cơ hội được Ba trực tiếp cung cấp. Hôm nay, có dịp để suy nghỉ về Ba, với nỗi lòng nhớ tiếc vô bờ, tôi xin sơ lượt viết về Ba với những hồi ức chấp vá, một số thơ văn thu thập được như một sự thể hiện của thế hệ tiếp nối Ba, ngưỡng mong hương hồn Ba chứng giám.
Trường làng Phường Đúc được đặt ở đình Dương Xuân Thượng (thường gọi là đình Thượng 4). Do một Thầy Nghè (Cụ Nghè Đường) trông coi dạy dỗ (hiệu trưởng). Trường thành lập sau 1930, phong trào “Bình Dân Học Vụ”, cũng theo chương trình giáo dục của Pháp cấp tiểu học. Trường xây 3 gian lợp tranh, vách đất, ngày dạy 2 buổi do các Thầy học ở trường của Pháp ra dạy dỗ.
Vào thời niên thiếu, khoảng 5 tuổi Ba theo học trường này. Lớp sơ học là Thầy Diệm dạy Ba, sau đó là Thầy Lê. Ba học xong Preme (lớp 5) thi đỗ đầu trường này.
Người em gái Ba (Hồ Thị Quýt) cũng theo học trường này, còn thuộc bài thơ của Ba sáng tác hồi còn bé.
TRƯỜNG HỌC LÀNG TÔI
Trường học làng tôi ở cạnh đình
Một trường ba lớp vẻ xinh xinh
Trước trường có mấy cây đào lớn
Thường quyến (khiến) lòng tôi những cảm tình
Trường tôi vách đất lợp bằng tranh
Hai buổi kêu tôi đến học hành
Tiếng trống nổi lên vang dưới xóm
Mẹ tôi liền bảo: hãy đi nhanh
Trường tôi mặt trước ngó ra sông
Còn mặt đằng sau ngó cánh đồng
Phía ấy, thầy tôi thường hỏi hướng?
Tôi vòng tay đáp: “dạ phương Đông”
Thầy tôi tầm thướt mảnh và cao
Cặp mắt long lanh má nhuộm đào
Mái tóc hơi quăn vầng trán rộng
Nụ cười thường lẫn tiếng trầm cao
Sau ba năm học ở trường làng
Tôi thấy trong lòng đã mở mang
Con bò chính là loài nhai lại
Thì ra trời đất rộng thênh thang.
Tôi yêu trường tôi mái trường nghèo
Tôi thường tha thẩn chiều quạnh hiu
Tiếng nước theo khe chảy róc rách
Nghe như tiếng nhắc gắng học nhiều
Cố đô Huế, 1942
Hồ Tấn Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét