Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

HỘI NGỘ ÔNG ĐỒ VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT NINH BÌNH 2010

HỘI NGỘ ÔNG ĐỒ VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT NINH BÌNH 2010:
VŨ ĐIỆU THƯ PHÁP
TRÊN ĐẤT CỐ ĐÔ

 “Mỗi nét ngang như mây bay, như bày trận; mỗi nét móc như cây cung giương lên có sức mạnh phi thường; mỗi nét chấm như một tảng đá từ cao rơi xuống; mỗi nét lượn như một cái móc đồng; mỗi nét sổ như một sợi khô đàng vạn tuổi; một nét phẩy như đôi chân phóng bay.” Đó là những ngôn từ mà Thánh thư Vương Hy Chi từ hàng ngàn năm trước đã dùng để nói về nghệ thuật thư pháp.
Và cơ hội để người Việt Nam yêu nghệ thuật được tận mắt thưởng thức những vũ điệu thư pháp của các ông đồ với “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”  không còn xa nữa. Đó là ngày hàng trăm ông đồ cùng hội tụ về vùng đất cố đô Hoa Lư, để cùng tôn vinh những cái hay, cái đẹp của nền thư pháp Việt trong một lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn: Hội ngộ ông đồ Việt Nam 2010.
Lần đầu tiên, 100 ông đồ - nhà thư pháp hàng đầu Việt Nam và hàng trăm nhà thư pháp từ các tỉnh thành trong cả nước cùng gặp nhau và biểu diễn thư pháp Việt. Những tinh túy trong nghệ thuật thư pháp Việt. Những tài hoa từ bàn tay khổ luyện qua bao năm tháng. Tình yêu tiếng Việt đậm đà, lắng sâu cùng niềm đam mê thư pháp cháy bỏng được thể hiện trân trọng qua từng nét chữ... Tận mắt chứng kiến các ông đồ - nhà thư pháp khai bút, khách tham quan sẽ tìm được câu trả lời cho những băn khoăn của mình từ bấy lâu: Thư pháp Việt có gì đặc sắc, hấp dẫn? Tại sao nhiều người phải khổ công rèn luyện trong thời gian dài? Viết thư pháp Việt dễ hay khó?...
Tham gia Hội ngộ ông đồ Việt Nam, khách tham quan có cơ hội được thưởng thức 500 bức tranh thư pháp đặc sắc, chứa đựng cái thần, cái hồn, cái tình, cái ý của người viết. Bởi thư pháp không chỉ là chữ viết. Thư pháp, về hình thức, là tâm huyết, là kỳ công khổ luyện của người viết. Về nội dung, thư pháp là kết tinh kho tàng giá trị tinh thần của dân tộc được được chắt lọc, cô đọng và chuyển tải qua những con chữ ngắn gọn: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… cùng những vần thơ đặc sắc. Mỗi một nhà thư pháp lại có một phong cách viết, một cách cảm nhận, nhìn nhận riêng về chữ viết. Cũng chính vì thế, mỗi bức tranh thư pháp sẽ đem đến cho người xem những cảm nhận khác nhau về những nét chữ - hồn chữ - tình người. Đặc biệt, những ông đồ - nhà thư pháp tham gia lễ hội sẽ cùng nhau viết chữ, cho chữ, làm thành món quà tinh thần gửi tặng nhân dân cố đô và khách tham quan.
Trong ngày hội ngộ, các kỷ lục về thư pháp Việt Nam cũng sẽ được xác lập: Kỷ lục câu đối có nhiều chữ và nhiều người viết nhất, Kỷ lục bức tranh có nhiều ấn chương nhất, Bộ tranh thư pháp mẫu tự ABC có nhiều người viết nhất, Kỷ lục triển lãm có nhiều tranh thư pháp nhất, Kỷ lục triển lãm thư pháp có nhiều chất liệu nhất, Kỷ lục triển lãm có nhiều tứ bảo văn phòng nhất, Kỷ lục triển lãm có nhiều ấn chương nhất (trên 500 ấn chương), lần đầu tiên, Kỷ lục triển lãm thư pháp trên đá có nhiều đá sưu tầm từ nhiều địa phương nhất, Kỷ lục khắc chữ thư pháp kinh Phật trên đá v.v..
Hội ngộ ông đồ Việt Nam lần thứ nhất sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 22/4/2010, do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Khách sạn Hoa Lư, Ban quản lý chùa Bái Đính tổ chức, cùng với chương trình Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 19. Đây là một trong những hoạt động văn hoá thiết thực để hướng tới chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 1042 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế.
Hơn 3.000 năm kể từ lúc ra đời tại đất nước Trung Hoa, giờ đây, thư pháp đã trở thành một nét đẹp văn hóa của các nước Á Đông như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở Việt Nam, thư pháp Hán – Nôm đã có từ lâu đời. Riêng thư pháp tiếng Việt chỉ mới có hơn 30 năm lịch sử. Chính vì vậy, Hội ngộ ông đồ Việt Nam 2010 cũng là một dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hoá Việt thông qua nghệ thuật thư pháp Việt, giúp thư pháp Việt trở nên gần gũi hơn trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp người dân cũng như du khách trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu về sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt và thêm yêu ngôn ngữ nước nhà.

BAN TỔ CHỨC
















BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGỘ ÔNG ĐỒ VIỆT NAM
LẦN THỨ NHẤT – NINH BÌNH 2010
LỄ DÂNG HƯƠNG
TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG
1.                     Ổn định tổ chức
15h00’ ngày 20/4/2010 (tức 7 tháng 3 năm Canh Dần), tại Ca Bắc Đền Vua Đinh, đoàn dâng hương xếp hàng đôi, đi theo đường chính đạo qua Nghi môn ngoại, Nghi môn nội vào tới sân rồng, dừng trước bát hương công đồng, xếp theo hàng ngang.
Điều hành chương trình Lễ dâng hương: Ông Phạm Ngọc Văn - Trưởng phòng Gia đình và Xây dựng Nếp sống Văn hoá, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
2.                     Cử hành lễ dâng hương
Ban tổ chức xin kính mời các vị đại biểu ổn định tổ chức để lễ dâng hương được bắt đầu:
(Khởi lên 3 hồi 3 tiếng trống, chiêng và cử hành nhạc lễ)



 
-  Kính cáo anh linh: Đức Đinh Tiên – Hoàng Đế!
-  Kính cáo anh linh: Hội đồng Tứ trụ; Văn võ bá quan Đinh triều; cập chư vị thần linh, các đấng tiền nhân!
Trong không khí linh thiêng của đất trời, hướng về Ngày Hội Cố đô Hoa Lư năm Canh Dần – 2010, Đoàn đại biểu các Ông đồ trong cả nước thực hiện Chương trình Hội ngộ Ông đồ Việt Nam lần thứ nhất - tỉnh Ninh Bình năm 2010, về trước linh từ Đức Đinh Tiên – Hoàng Đế kính cẩn làm Lễ dâng hương.
-  Ban tổ chức xin trân trọng giới thiệu và kính mời:
+ Ông Nguyễn Phúc Khôi, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức Chương trình;
+ Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam, Phó ban thường trực;
+ Đại đức Thích Chỉnh Tuệ, Uỷ viên Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Việt Nam Thư đạo, Phó ban thường trực Ban tổ chức Hội ngộ;

+ Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch Hoa Lư, Phó ban tổ chức; lên dâng hương tại bát hương công đồng. (Mỗi vị dâng 03 nén nhang, vái 05 vái). -  Ban tổ chức trân trọng kính mời các ông thường trực Ban tổ chức, thay mặt Đoàn thực hiện Chương trình Hội ngộ ông đồ Việt Nam lần thứ nhất, vào Chính cung dâng hương, hoa, lễ vật lên ban thờ Đức Đinh Tiên – Hoàng Đế.
(Các thiếu nữ chuẩn bị hoa trang trọng dẫn lễ chuyển tới các vị lãnh đạo BTC)



 
Kính thưa các quý vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các vị Tiên đế và các đấng Tiền nhân; Chương trình Hội ngộ ông đồ Việt Nam lần thứ nhất, xin công đức Bộ tranh Thư pháp về khu Di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư.
-  Ban tổ chức xin trân trọng giới thiệu và kính mời: Ông Lê Trần Trường An, Đại đức Thích Chỉnh Tuệ, lên cung tiến Bộ tranh.
-  Ban tổ chức xin trân trọng giới thiệu và kính mời: ông Giang Hồng Đức - Trưởng ban; và ông Lê Đình Thim – Phó ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư lên đón nhận vật cung tiến.



 
-  Tiếp theo, Ban tổ chức xin trân trọng kính mời các quý vị lên dâng hương tại bát hương công đồng và vào chính cung để cung thỉnh đức Vua.
(Mỗi đại biểu dâng 01 nén nhang, vái 05 vái).

-  Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn và kính mời các vị đại biểu dâng hương xong, sang đền thờ Vua Lê Đại Hành để tiếp tục chương trình lễ dâng hương.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét