Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

KHAI ẤN ĐỀN TRẦN NAM ĐỊNH - LỄ HỘI PHÁT LƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG HÀ NAM


  KHAI ẤN ĐỀN TRẦN NAM ĐỊNH - LỄ HỘI PHÁT LƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG HÀ NAM
Feb 15, 2012 5:26 PMPublicPageviews 9 0





Khai ấn đền Trần Nam Định
Lễ khai ấn đền Trần Nam Định là một trong những tập tục đẹp được gìn giữ từ lâu đời. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển.
Lễ khai ấn trước hết là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Thiên Trường không phải là kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một "Thủ đô kháng chiến" theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường... Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng...".
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11h đêm 14 đến 1h sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có đơn giản hơn trước đây. Sau lễ khai ấn đầu năm tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15-20.8 âm lịch hàng năm. Cũng như những lễ hội khác nó bao gồm các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian từ xưa nghi lễ ở đây diễn ra với các lễ rước từ khác đền chùa xung quanh về làm lễ dâng hương và tế tự ở đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo.
Các đám rước gồm có: cờ, bát kiệu, kiệu long đình, đội trống nhạc lễ cùng đông đủ các bô lão và dân các làng xung quanh tham dự. Khi đám rước về đến đền thi nghi lễ được diễn ra. Trước đây chỉ có lễ chứ không có hội, những năm gần đây do nhận thức được tầm quan trọng của các di tích, các cơ quan văn hoá, kết hợp với các cấp cơ quan chính quyền địa phương với chỉ đạo nghi lễ, với sinh hoạt văn hoá tổ chức thành lễ hội lớn lễ hội đền Trần, lễ hội Trần Hưng Đạo. Sau phần lễ là phần hội với các sinh hoạt văn hoá khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ củ 3 thế hệ (ông, cha, con) tại sân đền Thiên Trường còn diễn ra cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử…hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ…
Năm nay là lần đầu tiên thời gian phát ấn được sắp xếp lại theo quyết định của bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Theo đó, các nghi lễ rước ấn và khai ấn vẫn được tổ chức bình thường như mọi năm. Riêng lễ khai ấn chỉ đóng 9 ấn cho các đền chùa xung quanh khu vực đền Trần vào đêm ngày 14 tháng Giêng (5.2). Ấn sẽ được phát rộng rãi ra nhân dân và du khách thập phương vào sáng ngày 15.1 âm lịch (6.2) bắt đầu từ 7h sáng và kéo dài hết cả tháng Giêng. Những công tác chuẩn bị cho lễ khai ấn hiện đang được lãnh đạo thành phố Nam Định hoàn tất để đảm bảo cho du khách tham dự một lễ hội truyền thống ý nghĩa và an toàn.
Thu Hương (Tổng hợp)
















HÀ NAM NÔ NỨC LỄ HỘI PHÁT LƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG
Đêm 5/2 (tức đêm 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn), Lễ hội phát lương Đền Trần Thương. đã diễn ra tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng hàng nghìn du khách thập phương đã tham dự.
Đền Trần Thương thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thế kỷ thứ XIII. Ngay tại địa điểm Đền Trần Thương, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã lựa chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống giặc.
Mặc dù đêm 14 mới diễn ra các nghi lễ chính của Lễ hội, nhưng từ nhiều ngày gần đây, du khách thập phương đã nô nức về vui hội với các trò chơi truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Từ ngày 12 đến đêm 14 tháng Giêng, Ban Tổ chức Lễ hội cùng người dân địa phương đã thực hiện các nghi lễ hành chính, nghi lễ tâm linh như Lễ cáo yết xin Đức Thánh Trần cho dân làng làm Lễ hội phát lương, Lễ tâm linh do các Đại đức của huyện Lý Nhân làm lễ với số lượng 80.000 túi lương, Lễ rước lương, rước thảo, lễ dâng hương, mở kho lương.
Sau khi thực hiện các nghi lễ hành chính, nghi lễ tâm linh, tại 21 điểm phát lương tại các khu vực 7 gian nhà khách và miếu Thổ Thần, các vị cao niên trong làng trong trang phục áo đỏ, đầu đội khăn xếp đã phát lương cho đông đảo du khách thập phương.
Mặc dù lượng du khách đổ về rất đông để nhận những túi lương thảo với mong muốn một năm đầy đủ, no ấm, bình an nhưng mọi hoạt động đều diễn ra trong trật tự, an toàn.


Để việc phát lương cho người dân được thuận tiện, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự, Ban Tổ chức bố trí phát lương tại 21 điểm thuộc khu vực 7 gian nhà khách và miếu Thổ Thần, tại những điểm này được thiết kế hàng rào rích rắc để người dân vào nhận lương một cách trật tự.
Ban Tổ chức cũng cho biết: Để đảm bảo an ninh trật tự cho Lễ hội, lực lượng công an huyện, công an xã phối hợp với lực lượng quân sự đã triển khai nhiều phương án bảo vệ.
Lễ hội phát lương Đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, góp phần phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cũng như tuyên truyền, giáo dục cho con cháu mai sau về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Khu vực Đền chính là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét