Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

LỄ PHÓNG SANH ĐĂNG TRÊN THUYỀN RỒNG SÔNG HƯƠNG



LỄ PHÓNG SANH ĐĂNG
TRÊN THUYỀN RỒNG SÔNG HƯƠNG
TỐI 30.11.2011 (Mồng 6.11 Tân Mão)


Ý nghĩa về phóng sinh

Kinh Luận Đại Trí Độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác thì tội giết hại nặng nhất. Trong tất cả các công đức thì không giết hại cao trội hơn cả”.
Vậy mà, mỗi ngày trong đời sống chúng ta đều diễn ra vô số sát nghiệp. Từ những con vật lớn như heo, bò, dê, chó…, cho đến các sinh mạng nhỏ như chim, cá, tôm…, đều bị giết hại vô số kể để làm thức ăn cho con người. Nếu trong những sinh mạng sắp sửa bị giết hại một cách thê thảm đó, chúng ta có thể bằng cách này hoặc cách khác cứu thoát chúng, phóng thích chúng về với môi trường sinh hoạt tự nhiên, dù chỉ là những con vật bé mọn với số ít hay những con lớn với số nhiều…, đều là thực hành phóng sinh, đều tạo thiện duyên vô cùng to lớn, có thể giải trừ rất nhiều nghiệp chướng, báo chướng cho tất cả chúng ta.
Ở góc độ tương đối, khi thực hiện phóng sinh, chúng ta có thể hành theo ý nghĩa sau:
- Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh…) Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Tâm từ bi không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện nuôi dưỡng!.
- Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác…. Vì các loại lươn, cá, ốc, thú rừng … bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có; mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau. Nên, khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện - tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
- Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
- Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.
Phóng sinh là cứu chuộc sinh mạng, là từ tâm, là tu trí tuệ Bát Nhã, là hành năm giới luật, là trả nghiệp, là hồi hướng cho chúng sanh ở khắp pháp giới… Nhưng mục đích và ý nghĩa của nó không chỉ dừng ở đấy, vì lẽ, phóng sinh pháp sự trong đạo Phật là một phương thức nhằm cứu vớt đời sống ra khỏi những khổ đau vì ác nghiệp, vượt thoát sinh tử.
- Trì danh, niệm Phật chính là phóng sinh, giúp chúng ta “Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển”, đạt đến “Tâm như hư không vô sở chướng ngại”. Dễ tu, dễ đắc.
- Thực hành thiền định chính là phóng sinh. Với tôn chỉ “Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật”, giúp chúng ta có định lực, có được đời sống tinh thần tốt đẹp, từ đó nó sẽ đem đến cho chúng ta niềm vui thù thắng, vi diệu.
- Tu tập Hoa Nghiêm cũng là phóng sinh: “Lìa thế gian, nhập pháp giới”. Tự tại và vô úy.
- Thâm nhập Thiên Thai giáo: “Mở, bày, tỏ, ngộ vào tri kiến Phật”, thu nhiếp mọi vấn đề về một mối, theo lẽ “Nhất dĩ quán chi” để trở về với thế giới bình yên nội tại chưa từng sinh và chưa từng diệt. Đó cũng là phóng sinh.
- Đi vào Tam Luận là phóng sinh: “Lìa hai bên vào Trung đạo” – Không lấy dục lạc làm lẽ sống đời người, không sống khổ hạnh ép xác. Nếu ai cũng biết điều chỉnh cuộc sống vừa phải cho chính mình, sống trải lòng ra với mọi người, đó há không phải là cảnh vui đắc Niết bàn?
- Hành tu Pháp Tướng môn “Nhiếp muôn pháp về Chơn duy thức” trí tuệ và chiều sâu – trong tất cả và không ở đâu cả, giúp chúng ta nhận ra mối tương quan giữa mình với toàn thể, giữa ta với toàn thể là một. Chúng ta nhận ra thực tại cuộc sống. Chính là phóng sinh!
- Sở đắc Mật giáo: “Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật”. Ẩn tàng trong mở phơi, hiển lộ trong khuất lấp, đó là thể diệu của tinh hoa phát tiết và cũng là choã u mật nhất “A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề”. Không ngoài nghĩa phóng sinh.
- Và, Luật môn “Nhiếp thân ngữ ý vào Thi La tánh” chính là phóng sinh – dưới cái nhìn thăm thẳm khác, bốc tia huyền nhiệm từ thâm u Ba la mật…
Tất cả thực thể siêu hình ấy đã phản ánh trong kinh Lăng Già Tâm Ấn: Đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội… Lớn đến không còn có ngoài, nhỏ đến không cần có trong … Lớn nhỏ mất biên giới thành một cái mà Lão giáo gọi là Đắc Nhất: Cả một yếu lý siêu hình và không – thời – gian – vạn – vật chứa trong tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, hình dung “cõi” mà chúng ta đang tới: Cõi vô cùng mà hữu cùng, hữu cùng mà lại vô cùng… Một khi ranh giới đã bị xóa bỏ, đã đồng hóa thì không còn trong, không còn ngoài, không còn cao, không còn thấp… tất cả làm một, cùng biểu thị yếu lý của sự giải thoát.
Tâm nhàn muôn sự thông ba cõi
Một tiếng cười khan ấm đất trời
Đó chính là phóng sinh Ba la mật. An lành và tĩnh tại.


























































































Ý nghĩa của lễ hội Hoa đăng
T
Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Lễ hội Hoa đăng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Lễ hội Hoa đăng vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.
Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo. Một trong những danh hiệu của đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu phắp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ. Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối. Đây là điều có thể lý giải được. Trong thế giới ngày nay, vấn đề ánh sáng rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của con người, cũng như vậy ánh sáng của trí huệ đưa con người ra khỏi u mê. Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện. Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.
Trong ý nghĩa đó, việc cúng đèn tổ chức lễ hội Hoa đăng cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau. Người cúng đèn có được phước báo trí huệ sáng suốt và hưởng nhiều ích lợi.
Với ý nghĩa như vậy nên người tổ chức, người cúng đèn Hoa đăng và người tham dự thành tâm rất có công đức và lợi lạc. Theo Phật thuyết thí đăng công đức kinh, Đức Phật dạy người cúng đèn có 10 công đức sau đây:
1. Chiếu thế như đăng (Người cúng đèn đời này và đời sau giống ngọn đèn sáng của thế gian, huệ đăng chiếu sáng toàn thế giới).
2. Nhục nhãn bất hoại (Mắt không bao giờ hư hoại).
3. Đắc ư thiên nhãn (Mắt nhìn thấy như loài trời).
4. Thiện ác trí năng (Có trí huệ phân biệt được thiện ác).
5. Diệt trừ đại ám (Có trí huệ siêu việt, diệt trừ tam độc).
6. Đắc trí năng minh (Trí huệ xuất chúng, không bị ngoại giới nhu nhuyễn lôi kéo).
7. Bất tại ám xứ (Không sinh ở nơi tà kiến và địa phương hà khắc).
8. Cụ đại phúc báo (Sinh ra là người có phúc báo).
9. Mệnh tận sinh thiên (Lâm chung không đọa ác thú, mà sinh nơi thiên giới)
10. Tốc chứng Niết Bàn (Chứng quả vị thánh mau lẹ).
Trong Phật giáo, mọi người Phật tử đều biết câu chuyện Bà lão cúng đèn. Việc làm tuy nhỏ nhưng với tâm nguyện cao quý của một bà lão, Đức Phật đã dạy rằng ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai.
Ngày đầu xuân năm mới khai mở lễ hội Hoa đăng là một lễ hội thuần túy của người Việt Nam vốn có từ xưa, vừa cầu nguyện cho đất nước vinh quang, mưa thuận gió hòa, nhà nhà được no ấm, người người được bình an. Đây là một việc làm hữu ích của Ban tổ chức và những người tham gia.
Đối với Phật giáo, vào những ngày lễ lớn hoặc tổ chức những khóa lễ tu tập hay cầu nguyện đều có tổ chức lễ hội phóng sanh đăng. Có thể tổ chức đốt đèn trong chùa tháp, tổ đường, hoặc thả đèn trên sông và thả các loại thủy sinh. Đây là một nghĩa cử đầy nhân bản, nhân văn về việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho lễ hội càng thêm nhiều ý nghĩa.
Trong Phật giáo còn có lễ Truyền đăng, có nghĩa là truyền cho nhau niềm tin, truyền cho nhau chân lý. Thắp sáng một ngọn đèn trên tay, thắp sáng tâm niệm lành, thắp sáng lên tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.
Hy vọng, mỗi ngọn đèn trên tay của quí vị được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng từ bi xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Ngọn Đèn Của Bà Lão Ăn Xin
Trong kho tàng truyện cổ Phật giáo có câu chuyện liên quan đến hoa đăng như sau:
Một bà già nghèo khổ, ăn xin độ nhật, một hôm có lễ hội cúng duờng Phật và chư Tăng, từ hàng Phật tử tại gia giàu sang, quyền thế cho đến những nguời có thiện tâm đều nô nức trẩy hội. Bà già ăn xin vì hòan cảnh nghèo khó, hằng ngày chỉ biết lo miếng ăn nên chưa bao giờ gặp được đức Phật. Tuy thế, bà vẫn âm thầm ngưỡng mộ, quý kính Ngài. Ngày hội gần đến, gần xa nô nức kéo về tinh xá Kỳ Viên. Lúc nầy, bà già nghĩ rằng: Một đời ta đói khổ, lại già nua, sắp hết tuổi trời, nếu hội này không gặp Phật thì không có bao giờ đuợc gặp Ngài. Nghĩ như thế, bà ta vừa lần hồi xin ăn dọc đường vừa đến gần Kỳ Viên tinh xá, nơi đức Phật và chư Tăng đang trú ngụ lại.
Khi đến gần Kỳ Viên, một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ chưa từng thấy. ngựa xe chen chúc, đủ mọi hạng nguời nêm cứng những con đuờng về tinh xá. Dọc trên những con đường đó, hoa kết, đèn treo để cúng dường Phật và chư Phật. Những ngọn đèn sơn son thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan đại thần, bên cạnh những ngọn đèn nhỏ hơn, của hàng thứ dân dâng cúng. Bà tự nghĩ, ta phải cúng dường Phật và Tăng cho thỏa nguyện, Ngài là đấng thế tôn, là bậc từ bi, cao thượng.
Thế rồi bà dốc hết cả gia tài của mình có trong thắt lưng, than ôi, chỉ có 2 xu để mua cây đèn nhỏ và dầu thắp. Bà huớng về Kỳ Viên tịnh xá, hướng về Phật để mong Phật chứng tri cho lòng thành của bà đã thắp….
Ba ngày đêm trôi qua, những tràng hoa héo rủ, những ngọn đèn lần lựơt vơi dầu rồi tắt ngấm. Tất cả, tất cả đều lịm tắt, riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo ăn xin thì vẫn sáng, sáng mãi… Hiện tượng đó quá lạ lùng nên mọi nguời truyền nhau đi xem và ai cũng cho rằng điều hy hữu, xưa nay chưa từng thấy. Có một Phật tử quyền uy, giàu có đến thưa hỏi đức Thế tôn. Tại sao ngọn đèn nhỏ, ít dầu kia vẫn còn sáng, đức Thế tôn dạy rằng: Vì đó là ngọn đèn của một thí chủ nghèo khó mà tín tâm và nguyện lực lớn lao vượt bực. Vì tâm thành đó thanh lương và cao tột nên ngọn đèn của bà ta cúng Phật vẫn còn sáng khi tất cả đềm lịm tắt… Với thiện tâm nầy, sau khi bà ta chết sẽ được sanh thiên hưởng quả vui vi diệu…..Như thế, hoa đăng cúng dường đã có từ thời đức Phật tại thế, truyền mãi cho đến ngày hôm nay… 
Đạo Phật, lời dạy của đức Phật như một cơn mưa lớn, mọi loài cỏ cây đều thấm nhuần tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh, do đó Phật giáo phát triển thành hai hệ phái lớn đó là Thuợng tọa bộ hay còn gọi là Nguyên thủy và Đại chúng bộ hay còn gọi là Đại thừa.
Phật giáo Đại thừa với tiêu chí thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh thực hành bồ tát hạnh, lấy chúng sanh làm đối tượng phụng sự. Đồng thời cũng lấy chúng sanh làm phương tiện tu tập, cho nên tổ Huệ Năng minh định rằng:
“Phật pháp bất ly thế gian pháp
Ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác”.
Nghĩa là Đạo Phật không thể tách rời thế gian đau khổ, lìa thế gian để tìm sự giác ngộ thì như tìm sừng thỏ lông rùa. Lấy chúng sanh làm phương tiện, như là duyên tốt để tu tập. kinh Trung Bộ ghi rằng: Phật đã xâu kim cho một nguời già mắt kém và nói với hàng đệ tử rằng, Ta từ vô lượng kiếp đã từng góp nhặt những công đức nhỏ bé nầy để hôm nay được đạo vô thượng chánh giác… Phật giáo đại thừa phát triển tư tưởng đó nên Kinh có câu: Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.
Chúng sanh có 4 loại, noãn, thai, thấp, hóa, nên nguời tu tập đại thừa phải mở tâm từ bi rộng như hư không mới có thể dung nhiếp, phụng sự và hóa độ….
Nghi Thức “Phóng Liên Đăng”
Một năm Phật Giáo có hai lễ hội thắp nến đó là Pháp Hội Dược Sư thắp đèn Diên mạng cầu an đầu năm, trong dân gian có Tiết Thượng Nguyên có hội đèn lồng tết Nguyên Tiêu. đến tháng bảy pháp hội Vu Lan Bồn, thả đèn hoa sen để cầu nguyện cho chư hương linh siêu sanh cực lạc, trong dân gian gọi là Tiết Trung Nguyên, Quỷ tiết Phóng Hà Đăng siêu độ âm hồn.
Đốt đèn thả xuống sông cầu nguyện là tập tục lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ, những tín đồ của Đạo Bà La Môn, họ đốt đèn thả xuống sông Hằng và các ao hồ linh thiêng, để cầu nguyện Thần Linh phù hộ, Phật Giáo tiếp nhận tập tục này đưa vào trong nghi thức cầu siêu “Vu Lan Bồn” và nghi thức này được các vị truyền giáo đại sư đem truyền vào Đông Độ.
Tính chất đạo đức và nhân văn của nghi thức này phù hợp với quan niệm đạo đức của người Đông Độ, nên rất nhanh chóng được chấp nhận và dần dần trở thành một nghi tiết quan trọng luôn được thực hiện trong lễ hội “Tiết Trung Nguyên Phổ Độ” đại lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Giáo Bắc Truyền, trong sách Đế Kinh Tế Thời Kỷ Thắng, phần Trung Nguyên chép: “Mỗi năm đến tiết trung nguyên khởi kiến Đạo Tràng Vu Lan Bồn, từ ngày 13 cho đến ngày 15 đều làm lễ đốt đèn thả xuống sông…”.
Trong sách Đài Loan Đại Bách Khoa Toàn Thư chép: “Rằm tháng bảy âm lịch, tín đồ Phật Giáo cử hành nghi thức khánh chúc Pháp hội Vu Lan Bồn, đồng thời đây cũng là lễ tiết trung nguyên của người Đông Độ cúng tế tổ tiên. Pháp Hội Vu Lan Bồn là kỷ niệm ngày Mục Kiền Liên Tôn Giả cứu mẹ, đây cũng là ngày hội hoằng dương Đạo Hiếu, và khuyến tấn Phật tử học tập theo hạnh hiếu của Tôn Giả Mục Liên. Pháp hội này được dân gian cử hành rất trọng thể và nhiều tiết mục, như làm Thuyền Pháp, đốt Liên Hoa Đăng, phóng Hà Đăng, cúng bái Tổ tiên .v.v...”.
Trong Hô Lan Hà Truyện có chép về ý nghĩa của nghi thức thả đèn liên hoa cầu nguyện trong lễ Vu Lan như: “ngày rằm tháng bảy là ngày hội của các vong hồn, các oan hồn chết oan uổng, hay nghiệp báo nặng nề phải thọ khổ ở địa ngục, không thể siêu thoát được, trong cảnh giới địa ngục âm u đen tối, không tìm được đường ra, nếu muốn siêu thoát cần phải có ánh sáng trí tuệ để dẫn đường. Đến ngày rằm tháng bảy, lễ hội Vu Lan, các vong linh nhờ các ngọn đèn liên hoa dẫn đường, nương theo ánh sánh của Phật mà vãng sanh Tịnh độ.”.
Đèn Hoa Sen là vật cúng dường quan trọng trong đại lễ này, vì hoa đăng tượng trưng cho trí huệ, diệt trừ u ám, lấy đèn trí tuệ để chiếu sáng chính mình cũng như mọi người, và đem ánh sáng trí tuệ của Phật soi sáng cỏi u minh độ cho các âm linh siêu sanh về cỏi Tịnh độ. Trong Thiên Giám Luận Đàn chép: “Đốt sáng đèn liên hoa thả xuống nước, để chiếu sáng cỏi u minh, siêu độ các vong hồn ngạ quỷ.”

Đèn để phóng đăng thường làm theo hình dáng hoa sen nên có tên Liên Hoa Đăng, đây là một kiểu dáng đèn của Phật Giáo khác với kiểu đốt nến thả trôi sông của Bà La Môn Giáo, vì Phật Giáo quan niệm “Diệu Pháp Liên Hoa” hoa sen có 4 đức: 1. Hương thơm, 2. Thanh tịnh không ô nhiễm, 3. Nhu nhã hòa hợp, 4. Khả ái trang nghiêm; vì hoa sen mang đầy đủ tính chất tượng trưng của Đạo Phật nên dùng hình dáng này làm hoa đăng.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy: “Ta là Sa Môn, ở trong đời uế trược, nên phải như hoa sen, không bị ô nhiễm...”, thứ nữa hoa sen là loại hoa thể hiện đức tính đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài thường được xưng tán là “Liên Hoa Vương”, cho nên dùng loại hoa này làm hình dáng của đèn, để thể hiện tinh thần cứu khổ độ sanh của Đạo Phật.
Trong kệ Hồi Hướng có câu: “Nguyện sanh về trong cỏi Tịnh Độ ở Tây Phương, chín phẩm sen vàng là cha mẹ, hoa nở thấy Phật ngộ được pháp vô sanh, kết bạn cùng với chư vị Bồ Tát bất thối chuyển.”, và đây cũng là tâm nguyện ý nghĩa chính của nghi thức phóng liên hoa đăng, cầu nguyện cho người đã khuất, nương theo hoa sen thanh tịnh thác sanh về cảnh giới của Đức Phật A Di Đà, nên lấy hình dáng hoa sen làm đèn là cụ túc ý nghĩa nhất.
Nghi thức Phóng Liên Đăng được truyền vào Đông Độ rất sớm và người khởi xướng hoằng dương nghi thức này là Vua Lương Võ Đế thời Nam Triều của Trung Quốc, trong sách Đế Vương Dữ Phật Giáo chép: “Đời Nhà Lương niên hiệu Đại Đồng thứ 4 (538), Vua Lương Võ Đế đến chùa Đồng Thái, thiết lễ Vu Lan Bồn Trai, cúng dường trai tăng, siêu độ vong linh, trong lễ Vu Lan này, lần đầu tiên có tổ chức lễ thả đèn hoa sen xuống phóng sanh trì, để cầu siêu độ cho các vong linh...”, ban đầu nghi thức này chỉ do chư Tăng trong pháp hội đem đèn thả xuống ao phóng sanh trong chùa, dần dần được truyền ra dân gian phát triển thành lễ hội phóng đăng xuống các sông hồ ở các địa phương, từ đó nghi thức này được lưu hành trong Phật Giáo cũng như dân gian.
Đến thời nhà Đường thì nghi thức Phóng Đăng trong Phật Giáo đạt đến cực thạnh, truyền đi khắp các nước có Phật Giáo Bắc Truyền. Trong sách Đế Kinh Cảnh Vật Lược chép: “Ngày 15 tháng 7, các chùa đều mở hội Vu Lan Bồn, buổi tối đều có đốt đèn thả xuống sông, nghi thức này được gọi là Phóng Hà Đăng…”. Đến đời Tống thì triều đình quy định trong tiết Trung Nguyên tất cả các nơi đều phải làm lễ đốt đèn liên hoa thả xuống sông, tế độ cô hồn, chân tế bạc độ chư âm linh, diễn kịch Mục Liên cứu mẹ.v.v…
Ở Việt Nam trong Đại Lễ Vu Lan, lễ cầu siêu tháng bảy chúng ta thường thấy có nghi thức đốt đèn cầu nguyện, hay là pháp hội Phóng Đăng, thả đèn hoa sen xuống sông hồ để cầu siêu cho người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật Giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm theo truyền thuyết cho rằng do các vị Phạm Tăng truyền đến Việt Nam.
Phong tục đốt đèn quang minh, thả đèn bay lên trên trời, hay đem đèn thả xuống sông hồ để cầu bình an hay cầu nguyện cho người đã khuất trong những nghi thức Đại Lễ của Phật Giáo, nghi thức giàu tính nhân văn này khi được truyền vào Việt Nam nhanh chóng được Dân tộc Việt chấp nhận và dần trở thành nếp văn hóa truyền thống mang tính đạo đức dân tộc của người Việt Nam, được lưu truyền rất là rộng rãi và những phong tục ấy vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay.
Thời Lý Trần có hội đèn Quảng Chiếu cầu quốc thái dân an vào đầu năm luôn được triều đình đứng ra tổ chức. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng có ghi vào năm Canh Tý (1120): “Mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa Xuân tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”.
Trong sách Đại Việt Sử Lược ghi vào năm Canh Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng” và trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh cũng có mô tả khá chi tiết về lễ kỳ an - hội đèn Quảng Chiếu.v.v... qua đó cho ta thấy phong tục đốt đèn trong các dịp đại lễ đã trở thành nếp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam còn có các điệu múa về hoa đăng như múa “Bài Bông” múa “Lục Cúng Hoa Đăng”.v.v...qua đó cho ta thấy tục đốt đèn cúng dường hay để cầu nguyện của Phật Giáo đã đi sâu vào truyền thống Văn hóa nghi thức Phật Giáo Việt Nam và văn hóa truyền thống Dân Tộc Việt Nam.
Những năm gần đây nghi thức phóng đăng được phục hồi và được tổ chức quy mô vô cùng hoành tráng trong các dịp Đại lễ như Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan và trong các Đại lễ kỳ siêu trong cả nước, “Uống nước nhớ nguồn” thắp nến tri ân, thả hoa đăng cầu nguyện cho chư anh linh siêu thoát là một trong những nếp văn hóa vô cùng đẹp của Dân Tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự tiếp nối nếp đẹp đạo đức gia phong của Dân Tộc Việt Nam ngàn đời và mãi mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét