Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Mặc Nhân - Người đề thơ tặng chữ



Mặc Nhân - Người đề thơ tặng chữ
image
Trong suốt tuần lễ hoạt động qui mô của Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN tại Kiên Giang, ngoài các hoạt động chínhcòn có mảng lớn giới thiệu những sinh hoạt Văn hóa mang đặc thù Phật giáo: tranh ảnh, ẩm thực, kinh sách, pháp phục, băng giảng…
Trong suốt tuần lễ hoạt động qui mô của Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN tại Kiên Giang từ ngày 5.5.2010 đến ngày 10.5.2010 với chủ đề: Hoằng Pháp với Truyền thống Hộ Quốc, An Dân, ngoài các hoạt động chính: Hội Thảo, Thuyết giảng chuyên đề, Tập Huấn Hoằng Pháp diễn ra trên khắp địa bàn của tỉnh là các hoạt động về Văn Hóa Lễ Nghi Phật Giáo: Lễ Cung Nghinh Xá lợi Phật, Trai đàn Kỳ An-Kỳ Siêu, Lễ cúng Đền Thần Nguyễn Trung Trực, … là mảng lớn giới thiệu những sinh hoạt Văn hóa mang đặc thù Phật giáo: tranh ảnh, ẩm thực, kinh sách, pháp phục, băng giảng…
Có một nét văn hóa đặc biệt thu hút quần chúng và cả giới Tăng Ni, các cấp lãnh đạo Giáo Hội, đó là khu “Phố Ông Đồ” tại Công viên Văn hóa An Hòa và khu “Trà Đạo” thuần Việt tại Chùa Phật Quang.

“Trà Viên Như tận tâm đón mặc khách tao nhân
Phố Ông Đồ thành ý tiếp danh tài tuấn kiệt”
(Thơ TNMN)

Đây là một trong những hoạt động chào mừng Hội Thảo Hoằng Pháp Toàn Quốc 2010 tại Kiên Giang của Trung Tâm Việt Nam Thư Đạo thuộc Ban Kinh tế Tài chánh Trung Ương GHPGVN. Văn phòng chính đặt tại 290/18 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P8, Q3, TP.HCM. Đứng đầu Trung Tâm là Thầy Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ pháp hiệu là Tuệ Nhật Mặc Nhân.
Tại mặt tiền của khu vực triển lãm gồm ba gian, từ xa đã trông thấy tấm phông lớn một ông đồ già cặm cụi bên con chữ với dòng chữ đỏ: “Phố Ông Đồ”.
"Tiềm tàng dáng vẻ gầy hao
Áo đen khăn đóng, mực tàu bút lông
Điểm tô một nét son hồng
Sáng trang sử Việt mở chương anh tài

(Thơ TNMN)
Sống động một nét tài hoa của lịch sử Văn hóa Việt Nam, biểu tượng của một Thầy Đồ (lão sư), giáo dục, truyền nối cho hậu sinh nếp sống đẹp của dân tộc, của cha ông, điểm tô nét son trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Khu “Phố Ông Đồ” thấy thấp thoáng dáng vẻ của Nhà Sư, của Bà Đồ nữa, từ xa đã thấy người ta tụ về đông nghẹt để xin chữ, xem biểu diễn vẻ tranh thủy mặc, …
Xung quanh bày la liệt các mặt hàng lưu niệm thư pháp chữ Việt, thật phong phú hấp dẫn, truyền tải những thông điệp đạo lý của Nho gia, Phật đạo, danh thi, danh ngôn bất hủ cổ kim. Đáp ứng hầu như mọi tầng lớp xã hội, mọi ý thích bất kể là gì. Thư pháp được phô diễn trên mọi chất liệu: trên đá, gỗ, kim loại, giấy, gốm sứ, tre, da, bình hồ lô,mành, … Đúng là thời điểm thăng hoa của chữ Việt. Đáng tự hào lắm thay.
TINH HOA CHỮ VIỆT
Kiến quốc năm bốn tộc người
Trường chinh gìn giữ đất trời Việt Nam
Tây Đông văn hóa cao thâm
Tinh hoa chữ Việt đạo tâm vững bền

(Thơ TNMN)
Khu Trà Đạo có tên “Viên Như Việt Trà”, nghi thức được thể hiện theo thể thức Thiền Trà Phật giáo: nhẹ nhàng, tinh túy, tỉnh an. Trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo khu Trà Đạo phục vụ cúng dường chư Tăng Ni do chính Nhật Mặc Nhân Trà Sư thể hiện.
Tôi lân la tiến vào căn phòng Trà Đạo có máy điều hòa, nơi dành tiếp khách của Ban Tổ Chức, tò mò lần đọc mấy câu thơ chủ thể của Trà Việt:

TRÀ TỈNH TÂM
Ngồi yên lặng ngắm đất trời
Hương trà ấm giọng ru lời nhẹ tênh
Buông đi gánh nặng u tình
Chung trà thơm ngát cho mình tỉnh tâm
(Thơ TNMN)


TRÀ DƯỠNG THÂN
Bôn ba khắp chốn chợ đời
Trà đây an dưỡng tuyệt vời phút giây
Lang thang tìm một góc này
Bình thân tĩnh tọa tháng ngày như mây
(Thơ TNMN)

Mặt tiền được bài trí khoáng đạt: Có rèm che, trải thảm, hộp tộ (bàn ngồi), chậu trúc kiển bao quanh và trưng bày phát hành các loại: trà cụ, ấm tích, trà liệu, vật phẩm văn hóa, hàng lưu niệm thư pháp, hộp kinh và danh ngôn thư pháp,…
Đặc sắc nhất vẫn là các bàn tặng chữ Thư pháp.
Người xin chữ đến ở bàn để chọn mua cho mình các chất liệu: mành tre, giấy dó, giấy mỹ thuật, quạt lụa, bình hồ lô, móc khóa, v.v…
Sau đó, tiến đến bàn Tứ Bảo Văn Phòng tại Thư bàn để trực tiếp xin chữ miễn phí do chính tay Tuệ Nhật Mặc Nhân đề tặng.
Người thuần túy có tu tập đạo tràng thì xin chữ: Tâm, Nhẫn, Đạo, An, Hiếu, Pháp…
Người bình thường thì có thể xin các chữ: Lộc, Tài, Phúc, Thọ, Bình An, Thành công, …
Thật thú vị khi chứng kiến Tuệ Nhật Mặc Nhân Danh Thư cho chữ chư Tôn đức trong hàng Lãnh đạo Giáo Hội: Thi, Thư, Họa, Đạo đều hội tụ trong bút lực của “Mặc Nhân” (có nghĩa: người an nhàn, tự tại). Chỉ ít phút đối diện, bài thơ, hoặc câu đối được sáng tạo tức thì, phô diễn ngay bằng Thư đạo (chữ Hán hoặc chữ Việt), khai xuất như thần thi, thần bút. Thất ngôn Đường thi, Cổ phong, Tứ tuyệt, Lục bát, hoành phi, đối tự, tên chùa, tên người, tên hiệu, họ tộc, v.v… tất cả mọi nhu cầu đều được đáp ứng tắc thời, sắc bén, xuất thần.
Người người xúm xít, trầm trồ thưởng ngoạn, thật ly kỳ.
Tôi chứng kiến một gia đình người Hoa (ở Quận 5 TP.HCM) đến xin chữ (tất nhiên là chữ Hán). Xin chữ cho thầy Bổn Sư của mình (Trụ trì),  cho cha mẹ, cho anh em, cả con cái nữa, họ đi dự Hội thảo cả một đại gia đình. Một câu thơ như một lời nhắn nhủ, như một pháp thi triển, như một con đường mở ra dẫn lộ. Đúng là Thi, Thư, Họa, Đạo.
Thơ  đem mầm sống tốt tươi
Thư đem phấn chấn cho người an vui
Họa đem hương sắc tuyệt vời
Mở ra nguồn Đạo đất trời thênh thang

(Thơ TNMN)
Sau đây chúng tôi đem đến quí vị một số hình ảnh để phô diễn vẻ đẹp diệu kỳ giây phút mà tôi đã diễm phúc chứng tri, chiêm nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét