Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

TÍNH THIỀN TRONG THƯ PHÁP CHỮ VIỆT



PHÓNG SỰ NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO
CHỦ ĐỀ: TÍNH THIỀN TRONG THƯ PHÁP CHỮ VIỆT

KHÁCH MỜI: TUỆ NHẬT MẶC NHÂN
KHỞI QUAY: THỨ SÁU, NGÀY 23.3.2013
ĐỊA ĐIỂM: THỦ ĐÔ HÀ NỘI

KÊNH TRUYỀN HÌNH AN VIÊN
Kịch bản chương trình VHNT Phật giáo


Chủ đề: Tính thiền trong Thư pháp chữ Việt

I. Khách mời dự kiến:
1. KM1- MC: Kiều Quốc Khánh
2. KM2: Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ
II. Kịch bản chi tiết

BTV: Vũ Thu Trang.

TT Lời bình Thể hiện TL GC

1.Hình hiệu và nhạc hiệu chương trình

2.MC chào đầu chương trình, giới thiệu chủ đề chính của chương trình và các vị khách mời tham dự
Thưa quý vị và các bạn, thư pháp là loại hình nghệ thuật đặc sắc, một trong những nét văn hóa đặc thù mang đậm sắc thái truyền thống của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Để có một bức Thư pháp đẹp có giá trị thẩm mỹ cao, đòi hỏi người viết phải rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo viết tốt. Ngoài ra, một nhà thư pháp còn phải hội đủ các yếu tố: kiến thức thẩm mỹ, am tường văn học, kinh nghiệm sống. Nhà thư pháp nếu có lối sống lành mạnh, trong sáng, có phẩm chất bình an thật sự trong tâm hồn, sẽ trở thành yếu tố thiết thực tác động lên con chữ, chuyển tải cái hồn, cái thần lên một bức thư pháp. Nó có sức hấp dẫn, có năng lượng bình an cho người xem trong giây phút thưởng lãm, chiêm ngưỡng.
Người ta thường nói nhiều về phương pháp Thiền tập khi áp dụng vào đời sống mang lại nhiều lợi ích thiết thực: nâng cao sức khỏe, tâm lý ổn định, mang lại đời sống lành mạnh cho con người. Trong Thư pháp, thực hành Thiền có vai trò như thế nào, cái đẹp của Thiền vị thể hiện ra sao?, xin mời quý vị hãy cùng chương trình Nghệ thuật Phật giáo của Kênh truyền hình An Viên tìm hiểu về “Tính Thiền trong thư pháp chữ Việt” qua bức thư pháp của Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ. Xin giới thiệu Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, Chủ tịch Trung tâm Việt Nam Thư Đạo, Ủy viên TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam...
Trước khi vào nội dung trao đổi, xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi một phóng sự sau. Talk
Chạy một vài hình ảnh thư pháp chữ Hán cổ, chữ Nôm, sau đó là chữ quốc ngữ Việt (mẫu tự la tinh). Quay bước chân thiền hành đi trên một đường làng có cỏ mọc, hình ảnh của ngôi vườn xanh tươi, một bông sen đang nở trên mặt hồ trong lành. Quay cái chắp tay sen búp: “Búp sen xin tặng người. Bậc hiền đức tương lai.” Hình ảnh lò trầm đang xông khói tỏa hương, một hình Phật Quan Âm hiện ra. Hình ảnh một vị Thầy đang thiền tọa, gương mặt, nụ cười thể hiện sự bình an, vững vàng thực sự. 10s

3.Clip Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ viết bức thư pháp ““Chén trà hương nhụy viễn phương. Cho ngày ấm áp tình thương đất trời”
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ viết trong không gian thiền tĩnh lặng… PS 4p

4.Mc: Thưa quý vị và các bạn, Thiền tính thể hiện trong mọi hành động, bối cảnh: hành, trụ, tọa, ngọa (đi, đứng, nằm, ngồi). Một cái chắp tay thành búp sen (hoặc niệm Nam mô A di đà Phật) khởi đầu cho một tâm niệm tỉnh thức, một phút nhắm mắt, chú ý hơi thở ra vào, điều hòa thân tâm,... cũng là một khởi đầu chánh niệm để đi vào trạng thái tỉnh thức hoàn toàn… Cũng vậy, một nhà thư pháp trong trạng thái tỉnh thức, từ hành động: pha mực, chấm mực, cho đến khi viết, đạt tới phong thái nhẹ nhàng, tĩnh lặng, thanh thoát, an lạc. Năng lượng này làm nên khí lực của bút, hình thành nên con chữ.
- Khi viết: sự tập trung hòa nhập thể hiện qua các động thái: ánh mắt, nét mặt, nụ cười, nhịp thở, cách chấm mực, phong thái khoan thai, nét bút luân chuyển dứt khoát… Bạch Thầy, tôi thấy trước khi viết Thầy đã thực hiện một số nghi lễ. Điều đó có ý nghĩa như thế nào ạ? Pv

5.Nội dung 1: Thiền tính trong nghi lễ và cách thức điều hòa tâm trí
- Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ: Trước khi trả lời câu hỏi đó tôi cũng xin trình bày về nội dung thư pháp thiền…
+ Viết thư pháp không đơn thuần là công việc sáng tạo mà còn là một nguồn hạnh phúc có năng lực nuôi dưỡng thân và tâm (tạm gọi là thư giản). Không chỉ cần sự tập trung cao độ mà còn đòi hỏi cái tâm Thiền của người viết. Nên trước khi viết, tôi thảnh thơi thả bộ thật chậm trong vườn (hoặc trong nhà) bằng đôi chân trần (nhà Phật gọi là Thiền hành). Sau đó, đốt một lư trầm, nhẹ nhàng pha một ấm trà mạn, ngồi lặng yên thưởng thức hương trầm và chén trà trong không gian tĩnh lặng. Khi thân tâm bình lặng thật sự, tôi bỏ ra vài phút để tìm chủ đề và hình thành bố cục. Khi có trong đầu mọi thứ, lúc đó tôi đến bên bàn vẽ với đầy đủ: tứ bảo văn phòng: giấy, bút, mực, màu, ... tôi chắp tay búp sen niệm Nam mô A di đà Phật, hít thở điều hòa, loại bỏ những tạp niệm ra khỏi tâm trí, khí lực truyền vào ngọn bút hoàn toàn… để tâm an định, dồn toàn tâm toàn sức vào từng con chữ, ý thức: tôi và con chữ là một. Không có những chuẩn bị như vậy, thì không thể hướng tâm mình vào việc sáng tạo.
+ Sự an nhiên tĩnh tại của tâm hồn con người cũng chính là yếu tố cốt lõi của Thiền có sẵn trong ta và trong trời đất. Vấn đề là ta có đánh thức và nuôi dưỡng ý thức này không. Tức là, khi đứng trước vạn vật tự nhiên, ta không đánh giá, không yêu ghét, thành kiến…, tâm ta bình lặng, tiếp nhận mọi thứ như bản chất thật của nó: trời trong, mây trắng, tiếng chim hót, tiếng gió thoảng, ... mở lòng mình ra tiếp nhận những năng lượng trong lành từ thiên nhiên. Ngược lại, trong tiếp xúc khi ta gặp những hoàn cảnh bất như ý, ta ý thức: mọi thứ đều biến đổi và vô thường nhưng ta vẫn mỉm cười làm chủ được bản thân (gọi là an trú trong hiện tại), không bị xao động cuốn theo các trạng thái đảo điên của nó. Như vậy, khi ở trạng thái an tịnh của Thiền tập, những sự vật, sự việc xung quanh không ảnh hưởng gì đến việc sáng tạo thư pháp cả.
+ Cũng có những bức thư pháp tôi viết trong trạng thái “vô thức” từ sau 12 giờ đêm đến sáng. Lĩnh vực này khó hơn: không ý thức hệ lụy, không kiến thức kỷ thuật, không bố cục khuôn phép, trạng thái của buông xả hoàn toàn, để cho sự thể nhập tự do sáng tạo. Có dịp tôi sẽ trình bày về lĩnh vực này.
- MC: Liên hệ ngắn gọn câu chuyện Trình diễn Thư pháp thiền của nhóm Thư pháp Tiền Vệ tại Thiền quán năm 2008.
Người xem cùng tham gia tọa thiền và chờ đợi các tác phẩm của các “nhà hành vi” trình diễn. Mười lăm phút, ba mươi phút, một tiếng... vẫn chỉ thấy các nhà thư pháp ngồi bất động chẳng làm gì. Mãi gần hai giờ sau, mới thấy một trong hai nhà thư pháp đứng lên, đi vòng tròn, nhấc bút, vân vê rồi lại đặt xuống. Thưa Thượng tọa đây có phải là một trạng thái mà tác giả dần đi đến sự tỉnh thức…?
- Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ:
Những người bên ngoài nhìn vào thấy đó như là hành vi thể hiện sự bế tắc, song đây lại là một quá trình “phá dỡ những suy nghĩ, những ham muốn, những huyên náo trong đầu người biểu diễn, tiến đến cái “Định” như ngôn ngữ truyền tâm của Thiền phái Trúc Lâm yên Tử là “ưng vô sở trụ”, tức không còn câu nệ, cố chấp vào chính mình nữa, mà rũ bỏ để cảm hứng về tác phẩm sắp thể hiện trở nên hồn nhiên nhưng kết quả vẫn là chủ định”. Kết thúc quá trình này, hai nhà thư pháp trẻ bắt đầu biểu diễn. Người từ tốn lấy mực, kẻ thanh thản vân vê ngòi bút. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, hay còn gọi là trong một sát na theo cách nói của nhà Phật, họ bất chợt phóng bút, không nghĩ ngợi, không toan tính, không nhìn vào tác phẩm. Sự hiển hiện trên nền toan trắng chính là sự biểu hiện của tâm hồn họ, trái tim họ. Đây chính là sự tỉnh thức trong thư pháp Thiền.. 2p
MC và KM chắp tay chào Nam mô A di đà Phật

6. Nội dung 2: Thiền tính qua kỹ thuật thể hiện
- MC: Hôm nay thì chúng tôi có mang đến trường quay bức thư pháp của Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ. MC phân tích:
+ Nhìn một cách tổng thể, bức thư pháp rất hài hòa về mặt không gian. Ở đây có nhiều khoảng thở- tức là khoảng giấy trắng tạo một không gian hư không trong sáng.
+ Nét bút tự do phóng khoáng, không toan tính, khác với các bức thư pháp thông thường thường hoa lá cành và mỹ miều. Đặc biệt ở các nét cuối âm, sự phóng bút rất thoải mái. Đường nét thẳng trong Thư pháp Thiền đậm, rõ và tỏa sáng. Nét bút chân thật là sự hiển bày của chính niệm; chính niệm chân thật là vô niệm, và các nét vẽ là công việc của vô tâm. Một nét thẳng là cơ sở của Thư pháp được kết hợp với vô- là công án sâu thẳm nhất của thiền để hình thành nên vô tự bổng- đường nét thư họa thiền. VD: …
+ Khi trút hết tâm hồn mình qua nét bút, mỗi nét đều trở thành xung lực đầy sức sống. Thiền là nghệ thuật của hợp khí. Khí lực hay còn gọi là bút lực, là kỹ thuật vận bút ở đây thể hiện sự mềm mại uyển chuyển trong việc hạ thủ các quản bút, sự chuyển tiếp giữa nét đậm nét nhạt, dày mỏng. Mực viết phân bố đều đặn thể hiện sự tập trung cao độ liên tục trong quá trình viết. Nét chữ khỏe khoắn thể hiện nội tâm sâu sắc. Các nét viết nhanh được viết thanh thoát, nhuần nhuyễn, không do dự, không dao động, tự nhiên như dòng chảy nội tâm.
+ Chúng ta chú ý đến tính liên bút trong tác phẩm. Nếu một người không điều hòa được khí lực, tâm lực, trí lực của mình- nói như ngôn ngữ Thiền là không làm chủ được bản thân, hành động của mình thì khí lực kết tinh nơi đầu bút sẽ không đều, mực thể hiện ra cũng không đều, nét chữ bị đứt gãy. VD:…
=> So sánh với bức thư pháp khác (của Quang Anh): mực không đều, nét chữ tuy có vẻ hoa văn nhưng có những do dự không quyết đoán nên có những nét viết bị gãy. Sự không liền mạch còn thể hiện thiếu khí lực, phân bố khí lực không đều… vì người này không tập thiền, cũng không tập một môn võ nào.
- Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ + Trọng tâm của thư pháp là đường nét. Tuy nhiên, giá trị của Thư pháp Thiền luôn ở sức khơi gợi của nó. Người viết bất chấp cái gọi là “pháp” để viết chữ mà chỉ chú trọng đến thần khí của lời chữ, nét bút. Khi tâm ta an tịnh thì nét chữ đều đặn, mềm mại mà phong thái rất nghiêm trang; mặc khí an tịnh sâu thẳm, không gượng ép và thoải mái, phóng khoáng.
+ Ngoài ra, hình tượng họa cũng đậm tính Phật giáo. VD: hình tượng vòng tròn trong Phật giáo thể hiện sự viên mãn tròn đầy, các biểu tượng hoa cúc, cây hoa… (có thể nói đến nếu còn thời gian).
=>MC hoặc chính KM kết: Thực ra, tính độc đáo trong tác phẩm thư pháp Thiền là nhờ vào phẩm chất an lạc do hiệu quả Thiền tập. Không riêng gì các nhà sư, những người bình thường nếu hàng ngày họ thực hành thiền đều đặn, tu tập chuyên cần thì Thiền tính có mặt ngay chính thân tâm họ: tư duy, lời nói, cử chỉ, hành động.. Điểm đặc biệt nhất để nhận biết một bức thư pháp thiền là qua nét chữ của người viết. Nó luôn trong sáng, đằm thắm, thảnh thơi, thoải mái, thậm chí không tuân theo khuôn phép nào nhưng ẩn chứa tính liên tục thể hiện qua đường nét liên bút, mực loang đều đặn… như chúng ta vừa đề cập ở trên. Người thiếu tập trung, đang ở trạng thái mệt mỏi, chán chường không có hứng thú viết và không thể viết được những nét chữ như vậy. Và vấn đề lớn nhất của các tác phẩm Thư pháp thiền là sự vận dụng toàn bộ thân tâm ngay trong giây phút hiện tại và ở nơi này, tức là, không phải là “làm thế nào để viết cho đẹp như rồng bay phượng múa” mà là “viết như thế nào để đạt được sự tỉnh thức”. Năng lượng bình an chất chứa ở bức thư pháp sẽ mang đến cho người thưởng thức một cảm nhận chân thật.
KM2 minh họa trực tiếp trên các bức thư pháp 4p

7.Nội dung 3: Thiền tính qua nội dung bức thư pháp

- MC:Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ được biết đến như là một nhà thư pháp nổi tiếng với nhiều cuộc triển lãm có uy tín, gần đây nhất là cuộc triển lãm 100 bức thi thư họa chủ đề: “Sen Trúc Việt Nam”. Ngoài ra Thượng tọa còn sáng tác thơ ca, âm nhạc với nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó nổi bật lên là tình yêu thiên nhiên, và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Có Hai câu thơ “Chén trà hương nhụy viễn phương. Cho ngày ấm áp tình thương đất trời” đã được Thượng tọa thể hiện bằng thư pháp đậm chất thiền…
- Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ:
+ Nói đến tinh thần Thiền tông là nói đến tinh thần vô chấp, buông xả mọi tạp niệm, dứt trừ mọi vọng tưởng. Trong giáo lý nhà Phật, cuộc đời thì vô thường, đầy bất trắc, còn sự sống chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Loại bỏ những tạp niệm, u buồn, lo âu về quá khứ, tương lai, cảm nhận được sự sống và "sống trong giây phút hiện tại" là một trong những vấn đề căn bản của con đường tu tập Thiền để được an vui, giải thoát trong đời sống hằng ngày. Đây cũng chính là tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông- nghĩa là ở đời mà vui đạo, là giác ngộ ngay giữa cuộc đời chứ không phải xa lánh cuộc đời hay quên đời. Hay còn gọi là hiện sinh hay thể nhập.
+ Sáng sớm là thời khắc rất thiêng liêng khiến con người dễ giải tỏa những chấp trước. Một sớm mai thức giấc, tâm trí ta hoàn toàn tỉnh táo, bước chân ra cửa và thật lạ lùng, tiếng chim cứ nhẹ nhàng thánh thót bên tai gieo niềm hoan ca. Và trong khoảnh khắc ấy, con người điềm nhiên tĩnh tại thưởng tách trà thơm ngon, cảm nhận sức sống tự nhiên tràn trề… Như vậy, cuộc sống thanh nhàn biết bao. Thiền chỉ giản dị là vậy nhưng nhiều chúng sinh chưa thử lắng mình nuôi dưỡng ý thức để nhận biết.
=> MC: Câu thơ rất đơn giản, dễ hiểu nhưng sức mạnh của Thiền thể hiện ở chỗ nó truyền cho người đọc, người xem một cảm xúc trong trẻo như suối nguồn tự nhiên. Cảm giác an lạc ngay lúc này và ở đây tự nhiên đến và buộc con người ta phải đứng lại với thực tại dù chỉ là phút giây ngắn ngủi. 5p

8.MC tổng kết và chào kết chương trình
Kính thưa quý vị và các bạn, Thư pháp Thiền thực sự là bức họa của tâm. Sự tĩnh lặng trong Thiền khiến cho mỗi nét chữ Thư pháp thêm có sức sống kỳ diệu.
Thưởng thức tác phẩm thư pháp cũng là để dần giải trừ trong tâm thức những định kiến và thâm nhập tác phẩm một cách trọn vẹn. Dần dần, sức sống kỳ diệu và sự trong sáng của nghệ thuật Thiền sẽ trở nên rõ ràng…
Xin cám ơn Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ đã tham gia chương trình của chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình sau... 10s

9.Clip các bức thư pháp đẹp của Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ… Clip ảnh 20s

10.Bảng chữ cuối…

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét